Diễn biến Chiến_dịch_Minsk

Hướng Bắc Minsk

Nguyên soái xe tăng Liên Xô P. A. Rotmistrov đang ra các mệnh lệnh tại khu vực Borisov bên bờ sông Berezina. ngày 1 tháng 7 năm 1944

Sáng 29 tháng 6, sau một đợt pháo kích ngắn khoảng 30 phút, Tập đoàn quân 5 và cụm kỵ binh cơ giới của tướng N. S. Oslykovsky bắt đầu tấn công các cứ điểm của quân Đức tại các thị trấn Lukoml, Begoml (Biahoml) và Budslav (Budslau), phía tây hồ Lukomlskoye. Trong ngày đầu tiên, quân Đức dựa vào các công sự, chiến hào và lợi dụng địa hình đầm lầy đã chống trả kịch liệt. Tốc độ tiến công của Cụm kỵ binh cơ giới Liên Xô giảm xuống còn 5 đến 8 km trong ngày đầu tiên. Trong lúc cuộc tấn công đang bị chậm lại thì tướng V. T. Obukhov, Quân đoàn trưởng Quân đoàn cơ giới cận vệ 3 bắt liên lạc được với Lữ đoàn du kích của đại tá Sergei Afanasyevich Khvachevsky đang hoạt động trong các khu rừng quanh hồ Palik và vùng đầm lầy ở thượng nguồn sông Vilya. Từ một tháng nay, Lữ đoàn của S. A. Khvachevsky cùng hàng chục lữ đoàn và trung đoàn du kích Byelorussia đã âm thầm hoạt động lật đổ các đoàn tàu quân sự Đức và phá hủy hàng chục km đường ray và hằng trăm cầu, cống, gây khó khăn lớn cho quân Đức trong việc cơ động lực lượng và tiếp viện cho mặt trận.[12] Nhờ các du kích thông thuộc địa hình dẫn đường, ngày 2 tháng 7, Tập đoàn quân 5 đã vòng tránh các cứ điểm của quân Đức bất ngờ vượt sông Vilya đánh chiếm các nhà ga Krivichi và Budslav, cắt đứt đường sắt từ Molodechno lên Polotsk. Ngày 3 tháng 7, Quân đoàn cơ giới cận vệ 3 "Stalingrad" trong đội hình Cụm kỵ binh cơ giới của tướng N. S. Oslykovsky đã đột kích và đánh chiếm thị trấn Vileyka. Quân đoàn kỵ binh cận vệ 3 sau khi đánh chiếm cứ điểm Plesheniki (Pliescanicy) đã hướng đòn tấn công về Molodechno.[13]

Quân đoàn xe tăng cận vệ 2, đơn vị đầu tiên của Phương diện quân Byelorussia 3 tiến vào giải phóng Thủ đô của Belarus ngày 3-7-1944

Trên hướng tấn công chính, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 (Liên Xô) tấn công rất chậm, không chỉ chậm hơn Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 "Tatsinskaya" mà còn chậm hơn cả một số sư đoàn bộ binh của Tập đoàn quân cận vệ 11. Kế hoạch hợp vây cánh quân Đức ở phía đông Minsk có nguy cơ bị phá vỡ. Ngày 30 tháng 6, đích thân nguyên soái A. M. Vasilevsky đã đến Borisov kiểm tra thực địa và yêu cầu tướng P. A. Rotmistrov phải tăng tốc độ tấn công để đến cuối ngày 2 tháng 7 phải có mặt ở Minsk. Để giúp đỡ Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5, tướng I. D. Chernyakhovsky yêu cầu chủ nhiệm công binh của phương diện quân ưu tiên cho xe tăng vượt qua các cầu phao và cầu gỗ trước các đơn vị khác. Ngày 2 tháng 7, Quân đoàn xe tăng xe tăng 29 và Tập đoàn quân 31 đã tiến đến đầu nguồn sông Svisloch trên khu vực Ostrositsky-Gorodok (Astrasycki Haradok), cắt đứt con đường rút lui lên Vinius của cụm quân Đức tại Minsk.[14] Sư đoàn thiết giáp số 5 (Đức) trước tình hình bị đánh từ phía trước và phía sau buộc phải bỏ chạy khỏi Borisov sau khi chịu nhiều thiệt hại nặng nề[15].

Các diễn biến trên hướng tấn công của Tập đoàn quân cận vệ 11 và Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 phát triển hết sức nhanh chóng. Ngày 1 tháng 7, sau khi bẻ gãy sức kháng cự của Cụm tác chiến Von Saucken và tàn quân thuộc Sư đoàn xe tăng 18 (Đức) đã kéo về Minsk với tốc độ tấn công hàng chục km trong ngày tiếp theo. Thống chế Walter Model sử dụng còn bài cuối cùng là Cụm tác chiến Von Gottberg phối hợp với Sư đoàn kỵ binh cơ giới SS ra khai thông con đường đi Vinius để cứu số quân còn lại khỏi Minsk nhưng tất cả phòng tuyến của quân Đức ở phía bắc và phía tây Minsk đã sụp đổ. 3 giờ sáng ngày 3 tháng 7 năm 1944, Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 "Tatsinskaya" đã đột nhập vào Minsk. Buổi trưa cùng ngày, các trung đoàn xe tăng 36 và 193 của Tập đoàn quân 3 (Phương diện quân Byelorussia 1) cũng tiến vào Minsk từ phía nam. 13 giờ chiều ngày 3 tháng 7, thủ đô của Byelorussia được giải phóng[16]. Ở phía đông Minsk, Tập đoàn quân cận vệ 11 (Liên Xô) đã đánh chiếm Smolevichi, dồn quân Đức xuống khu vực đầm lầy ở thượng nguồn sông Volma với trung tâm là thị trấn cùng tên.[17]

Một góc thủ đô Minsk bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh

Tổng cộng Phương diện quân Byelorussia 3 đã tiêu diệt 22.000 quân và bắt sống 13.000 tù binh cùng với 5.000 xe cơ giới các loại, giáng một đòn nặng vào hậu cứ của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm[16].

Minsk, thủ đô của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Byelorusia bị phá hủy nặng nề. Cả thành phố chỉ còn lại bốn công trình lớn gồm Trụ sở chính phủ, Trụ sở Trung ương Đảng cộng sản Byelorussia, Nhà máy Radio và Câu lạc bộ Hồng quân là những nơi chưa bị phá hoại. Công binh của Phương diện quân Byelorussia 3 phải làm việc liên tục suốt ngày đêm để nhanh chóng gỡ đi những quả mìn Đức đang chờ nổ. Trên các con đường nhựa từ Minsk đi Rakov và Vologin ở phía tây thành phố ngổn ngang những xe cộ và phương tiện chiến tranh của quân Đức bỏ lại khi rút chạy.[18]

Ngày 5 tháng 7, tôi tới Minsk. Ấn tượng để lại trong tôi cực kì xấu. Phần lớn thành phố đã bị phát hủy bởi bọn phát-xít. Trong số những công trình lớn mà quân địch không có thời gian phá hủy là trụ sở chính phủ Byelorussia, trụ sở mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Byelorussia, Nhà máy Radio PBC và Câu lạc bộ Hồng quân. Nhà máy điện, phần lớn các cơ sở công nghiệp và nghiên cứu đều bị phá nổ.
— A. M. Vasilevsky, [19]

22 giờ 00 ngày 3 tháng 7, sau bản nhật lệnh như thường lệ của STAVKA được phát thanh viên huyền thoại Levitan đọc trên đài phát thanh ghi nhận công lao của các phương diện quân Byelorussia đã giải phóng Minsk, bầu trời Moskva bừng lên ánh sáng của 24 loạt pháo hoa được bắn lên từ 324 khẩu đại bác để chúc mừng thủ đô của Belarus được giải phóng.[10]

Hướng Nam Minsk

Đại bác 203mm-1931 của Phương diện quân Byelorussia 3 trên chiến trường

Sau khi hoàn thành Chiến dịch Bobruysk, các tập đoàn quân cánh phải Phương diện quân Byelorussia 1 có một loạt nhiệm vụ mới phức tạp hơn. Trước hết, nó phải phối hợp với Phương diện quân Byelorussia 3 khép chặt vòng vây xung quanh Tập đoàn quân 4 và tàn quân của các tập đoàn quân 9 và xe tăng 3 (Đức) đàng phòng ngự ở phía đông Minsk và giải phóng thủ đô của Belarus. Tiếp theo, nó phải tấn công sang phía tây để ngăn chặn các đòn phản kích mà quân Đức đang chuẩn bị trên hướng Stoyabtsy - Uzda hòng cứu vãn tình thế. Thứ ba, sau khi hoàn thành hai nhiệm vụ trước mắt, các tập cánh phải chuẩn bị phối hợp với cánh trái của phương diện quân mở một đòn tấn công tiếp theo, hợp vây quân Đức trong khu vực đầm lầy Polesya từ Pinsk đến Brest. Hai nhiệm vụ đầu tiên nằm trong kế hoạch giai đoạn 2 của Chiến dịch Bagration[20]

Mở đầu giai đoạn tấn công thứ hai trên hướng Bobruysk - Minsk, ngày 29 tháng 6, Tập đoàn quân 3 và Quân đoàn xe tăng cận vệ 1 bắt đầu tấn công từ phía bắc Osipovichi dọc theo con đường bộ và đường sắt Bobruysk - Minsk. Ngày 1 tháng 7, Quân đoàn xe tăng cận vệ 1 đánh chiếm thị trấn - nhà ga Marina Gorka (Maryina Horka), một chốt chặn quan trọng trên con đường đến Minsk do Cụm tác chiến Flörke gồm tàn quân của Sư đoàn bộ binh 14 và một số tiểu đoàn cảnh vệ (Đức) phòng giữ. Ngày 2 tháng 7, Quân đoàn bộ binh 41 (Tập đoàn quân 3) phối hợp với Tập đoàn quân 50 (Phương diện quân Byelorussia 2) Cụm tác chiến sư đoàn bộ binh 262 và Sư đoàn bộ binh 267 (Đức) khỏi căn cứ Pukhovichi, dồn cụm quân này về Cherven. Sáng ngày 3 tháng 7, Quân đoàn xe tăng cận vệ 1 đã có mặt ở ngoại ô phía nam Minsk. Sau một trận giao chiến ngắn, Lữ đoàn xe tăng 15 đã cùng lữ đoàn xe tăng 36 tiến vào Minsk.[21]

Đúng như dự đoán của tướng K. K. Rokossovsky, ngày 3 tháng 7, thống chế Walter Model huy động Sư đoàn xe tăng 12 làm chủ lực cho Cụm tác chiến Lindig mở cuộc phản kích từ Uzda vào Marina Gorka nhằm chia cắt Tập đoàn quân 3 và Quân đoàn xe tăng cận vệ 1 với chủ lực Phương diện quân Byelorussia 1, tạo một hành lang để giải vây cho Tập đoàn quân 4 (Đức). Tuy nhiên, những nỗ lực này đều bị quân đội Liên Xô chặn đứng. Quân đoàn xe tăng 9 (Liên Xô) được điều động đến khu vực bị đột phá đã phối hợp với các quân đoàn bộ binh 46 và 80 chặn đứng cuộc phản kích của Sư đoàn xe tăng 12 và Sư đoàn bộ binh 390 (Đức), đuổi các sư đoàn này chạy về Dzherzinsk. Ngay ngày hôm sau, Quân đoàn xe tăng 9 cùng với Tập đoàn quân 48 mở mũi đột kích về phía tây, đánh chiếm Uzda và Stoyabtsy.[7]

Bên rìa phía bắc vùng đầm lầy Polesya, ngày 30 tháng 6, các tập đoàn quân 28 và 65 nhanh chóng đè bẹp tuyến phòng thủ mỏng yếu của Sư đoàn bộ binh 102 và Cụm tác chiến sư đoàn 216 (Đức), đánh chiếm Slutsk và phát triển sang hướng Tây, giải phóng một loạt khu dân cư ở Starobin, Pogost (Pagost - 2), Timkhovichi (Cimkavicy), Kopyl (Kapyl) và Nesviz (Niasviz). Nhận thấy nguy cơ bị đánh tập hậu, tướng Friedrich Herrlein phải rút các sư đoàn bộ binh 292 và 707 về phía tây sông Tsna, lập tuyến phòng thủ mới dọc theo con đường sắt từ Gantsyevichi đến Luninets. K. K. Rokossovsky ra lệnh cho Tập đoàn quân 28 tách quân đoàn bộ binh 128 phối hợp với các tàu chiến đường sông của Giang đoàn Dinepr tổ chức hai mũi tấn công song song trên bộ và dưới sông Pripyat về hướng Luninets. Ngày 4 tháng 7, Quân đoàn bộ binh 128 đánh bật Sư đoàn bộ binh 292 (Đức) về Pinsk, Sư đoàn bộ binh 707 (Đức) cũng bỏ Gantsyevichi rút về Telekhany (Cieliachany). Phương diện quân Byelorussia 1 đã hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn đột phá vào tung thâm trong Chiến dịch Bagration[22]

"Chảo lửa" Volma

Các loại xe và phương tiện chiến tranh của quân đội Đức Quốc xã bỏ lại trên chiến trường Minsk, 28 tháng 6 năm 1944

Đây là "cái chảo" lớn thứ hai trong Chiến tranh Xô-Đức mà quân đội Liên Xô tạo ra và dồn quân Đức vào đó (chỉ đứng sau "Cái chảo" Stalingrad). Bên trong vòng vây là toàn bộ Tập đoàn quân 4 (Đức) do Thượng tướng Kurt von Tippelskirch chỉ huy gồm 1 Quân đoàn xe tăng và 2 quân đoàn bộ binh, không kể các đơn vị các tăng cường. Cùng bị dồn vào cái chảo này còn có tàn quân của các quân đoàn bộ binh 6 và 35 (Đức), các đơn vị thuộc cụm quân bảo vệ hậu phương mặt trận của tướng Friedrich Gustav Bernhard, các đơn vị cảnh vệ SS, thông tin, công binh và hậu cần trực thuộc Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức). Tổng số quân Đức bị vây lên đến 105.000 người thuộc 30 sư đoàn. Nếu như các phương diện quân Byelorussia mất 5 ngày kể từ ngày bắt đầu chiến dịch để giải phóng Minsk thì thời gian để thanh toán cụm quân Đức trong vòng vây ở phía đông và Đông Nam Minsk lại mất gấp đôi thời gian đó. Nhưng ở Stalingrad, quân đội Liên Xô phải mất đến gần 3 tháng để hoàn thành chiến dịch thì ở Minsk, họ chỉ mất 19 ngày.[7]

Việc thanh toán cụm quân Đức bị vây được giao cho Phương diện quân Byelorussia 2 và Tập đoàn quân 31. Khác với các cuộc bao vây ở Stalingrad, ở Korsun-Shevchenkovsky và ở Kamenets-Podolsky; ở Byelorussia trong mùa hè năm 1944, Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đã thiệt hại nặng nề trên tất cả các hướng tấn công chủ yếu và thống chế Walter Model đã không còn một lực lượng dự bị đáng kể nào trong tay để có thể hy vọng giải cứu cho Tập đoàn quân 4 và các nhóm tàn quân Đức như ông ta đã làm để giải cứu Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) trong Chiến dịch Proskurov-Chernovtsy. Địa hình ở phía đông Minsk cũng không cho phép thiết lập một sân bay dã chiến khả dĩ có thể dùng cho các máy bay vận tải nhẹ. Nếu sân bay đó được thiết lập thì nó cũng nhanh chóng bị phá hủy và ngay cả việc thả dù hàng cũng bất khả thi bởi ba tập đoàn quân không quân Liên Xô hầu như đã làm chủ bầu trời Byelorussia. Trong khi đó, lực lượng chủ lực của Tập đoàn quân 4 (Đức) là Quân đoàn xe tăng 39, trong quá trình rút lui về bên kia sông Berezina đã rối loạn đội hình và dần dần tan rã dưới các cuộc oanh kích của không quân Xô Viết. Hai viên tướng chỉ huy quân đoàn của nó cũng bỏ mạng trong thời gian này.[23]

Từ ngày bị bao vây, binh sĩ Đức trong cái "chảo lửa" liên tiếp bị oanh kích dữ dội bằng không quân và pháo binh. Trong khi đó, đạn dược càng ngày càng vơi dần, đường tiếp tế gần như bị cắt đứt. Do tư lệnh Tập đoàn quân số 4 Kurt von Tippelskirch đã được di tản bằng máy bay từ ngày 1 tháng 7, ông ta giao quyền chỉ huy Tập đoàn quân 4 cho quân đoàn trưởng Quân đoàn bộ binh 12, trung tướng Vincenz Müller mà không hề biết rằng hai ngày sau, ông này đã bị Tập đoàn quân 50 (Liên Xô) bắt được trên đường bỏ chạy từ Mogilev về Minsk, cùng bị bắt với Vincenz Müller còn có thiếu tướng Rudolf Edmansdorf, chỉ huy trưởng khu phòng thủ Mogilev.[3].

Ngày 4 tháng 7, tướng I. V. Boldin, tư lệnh Tập đoàn quân 50 (Liên Xô) triệu tập tướng Vinzenz Müller và tướng Rudolf Edmansdorf đến Sở chỉ huy dã chiến của Tập đoàn quân 50 ở Klichev. Tại đây, hai viên tướng Đức được thông báo rằng họ sẽ đọc lời kêu gọi đầu hàng do họ tự soạn thảo trên hệ thống loa phóng thanh và trên các máy điện đàm để gửi đến các sĩ quan và binh lính Đức trong vòng vây. Ba tổ công tác của các tập đoàn quân 31, 49 và 50 cũng được giao nhiệm vụ chuyển cho các cấp chỉ huy Đức bản sao của bức thư đó do tướng Vinzenz Müller ký:

Sau nhiều tuần giao tranh ác liệt, tình hình của chúng ta đã tuyệt vọng. Chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Sức chiến đấu của chúng ta đã giảm đến mức tối thiểu, chúng ta không hy vọng có các nguồn cung cấp. Lực lượng Nga thông báo cho chỉ huy cao cấp chúng ta rằng họ đã khép vòng vây quanh chúng ta. Chúng ta không còn hy vọng gì vào cuộc chinh phục bằng binh lực và vũ khí của chúng ta nữa. Sĩ quan và binh sĩ của chúng ta đã mất mát rất lớn vì chết, bị thương và đào ngũ.Các cấp chỉ huy Nga đã hứa:a) Chăm sóc cho những người bị thương, b) Các sĩ quan và binh sĩ được giữa lại các huân, huy chương và giải thưởng.Họ yêu cầu chúng ta phải tập trung và giao nộp tất cả các loại vũ khí và trang thiết bị trong tình trạng bảo quản tốt.Hỡi các bạn. Hãy kết thúc để đổ máu vô nghĩa này!Vì vậy, tôi ra lệnh đình chỉ ngay lập tức các hành động quân sự. Ở khắp nơi trên chiến trường, sĩ quan và binh sĩ phải được tập trung thành nhóm từ 100 đến 500 người dưới sự chỉ đạo của các sĩ quan. Những người bị thương cũng phải gia nhập các nhóm này. Hãy tự bảo ban lẫn nhau để cho người Nga thấy rằng chúng ta vẫn có thể bảo đảm trật tự, kỷ luật trong các hoạt động của mình. Lệnh này phải được phổ biến bằng văn bản và bằng miệng bởi tất cả các phương tiện đến tất cả các đơn vị.
— Vinzenz Müller[23][24]

Quân Đức không thể chấp nhận ngay lời kêu gọi của tướng Vinzenz Müller và chống trả trong tâm trạng tuyệt vọng. Ngày 5 tháng 7, bức điện cuối cùng của lực lượng bị vây được gửi về bộ tư lệnh của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, mang một lời cầu cứu hết sức khẩn thiết:

Hãy thiết lập ngay cầu hàng không để tiếp tế theo bản đồ địa hình ! Hay là chúng tôi đã bị bỏ mặc rồi ?
— [3]

Lời cầu cứu không được hồi âm. Trong khi đó, vòng vây ngoài của quân đội Liên Xô tiến dần về phía tây, và khi lực lượng bao vây đã đột phá 50 cây số thì, "cái chảo" chỉ còn chu vi chừng 150 cây số[25].

Và những gì đã xảy ra với quân Đức mấy ngày trước đó tại Đông Nam Bobruysk lại tái diễn nhưng với quy mô lớn hơn. Tập đoàn quân không quân 6 (Đức) cũng huy động một số máy bay vận tải thả dù hàng xuống khu vực bị bao vây nhưng phần lớn các máy bay này đã bị không quân Liên Xô chặn đánh và bắn rơi. Khác với Tập đoàn quân 6 (Đức) bị bao vây ở Stalingrad, Tập đoàn quân 4 cùng tàn quân của các tập đoàn quân 9 và xe tăng 3 (Đức) ở phía đông Minsk đã không còn một hệ thống chỉ huy thống nhất. Một bộ phận quân Đức tìm cách phá vây về phía tây Bắc nhưng đã bị Tập đoàn quân 31 chặn lại và tiêu diệt trên đoạn đường sắt từ Minsk đi Smolevichi.[26]

Ngày 6 tháng 7 năm 1944, Sư đoàn bộ binh 174 thuộc Quân đoàn bộ binh 62-Tập đoàn quân 33 và Lữ đoàn xe tăng 213 thuộc Tập đoàn quân 31(Liên Xô) mở một trận đột kích từ Smolevichi đánh thẳng vào Volma, trung tâm phòng ngự của cụm quân Đức bị vây. Từ phía nam, bốn sư đoàn của Quân đoàn bộ binh 19 cũng tấn công lên Volma. Từng cụm lớn quân Đức bỏ chạy theo hướng Tây và Tây Nam dưới các trận oanh tạc của Tập đoàn quân không quân 4 (Liên Xô). Ngày 6 tháng 7, 3.000 quân do thiếu tướng Hans Traut, tham mưu trưởng Quân đoàn bộ binh 12 đã tổ chức một cuộc phá vây tại Smilovichy. Tuy nhiên nỗ lực này đã bị Tập đoàn quân số 49 (Liên Xô) chặn đứng. Ngày hôm sau, thiếu tướng Hans Traut cố gắng tổ chức phá vây một lần nữa nhưng trước khi vượt được sông ShvislochSynelo (???), đội quân của ông ta đã bị Sư đoàn bộ binh 362 và Trung đoàn cơ giới 481 đánh tan. Bản thân Hans Traut cũng bị bắt sống[16]. Ngày 7 tháng 7, nhóm quân Đức bỏ chạy sang phía tây đã vấp phải bức tường hỏa lực dày đặc của 8 trung đoàn lựu pháo Liên Xô. Lữ đoàn xe tăng 25 và Quân đoàn bộ binh 113 đã tiêu diệt và bắt làm tù binh cụm quân này ngay tại ngoại ô phía đông Minsk.[23]

Ngày 8 tháng 7, một cụm quân Đức lớn hơn tổ chức thành hai mũi đột phá vượt sông sông Shvisloch sang phía tây nam đã bị hỏa lực của 12 trung đoàn pháo binh Liên Xô bố trí tại Apchak, Ostrovy, Dubki và ngoại ô phía nam Minsk xé nát đội hình. Một bộ phận bỏ chạy sang phía đông nam bị Sư đoàn bộ binh 95 bao vây và tiêu diệt trên bờ sông Svisloch. Nhóm quân bỏ chạy xuống phía nam do tương Paul Völckers chỉ huy cũng bị Sư đoàn bộ binh 199 thanh toán trong khu rừng ở phía nam Dubki, tướng Paul Völckers bị bắt làm tù binh. Cụm quân lớn nhất gồm 2 trung đoàn còn lại của Sư đoàn bộ binh xung kích 78 do tướng Herbert von Larisch chỉ huy tháo chạy theo hướng Tây Nam cũng bị Quân đoàn bộ binh 80, Lữ đoàn xe tăng 26, Trung đoàn cơ giới 514 và các sư đoàn bộ binh 42, 64 (Liên Xô) tiêu diệt và bắt làm tù binh ở phía nam Minsk. Số quân còn lại bỏ chạy ngược về phía sông Svisloch, tiếp tục hứng chịu hỏa lực của không quân và pháo binh Liên Xô và hạ vũ khí đầu hàng.[21]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Minsk http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.youtube.com/watch?v=FfiE32iKjYE&feature... http://www.youtube.com/watch?v=FfiE32iKjYE&feature... http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/P... http://lib.rus.ec/b/183730 http://militera.lib.ru/h/dorogami_pobed/09.html http://militera.lib.ru/h/minasyan_mm/05.html http://militera.lib.ru/h/samsonov2/15.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/10.html http://militera.lib.ru/h/utkin3/16.html